Shopping Cart

Thành Tiền 0đ
Tổng Tiền 0đ

Lễ ăn hỏi là gì? Các thủ tục và nghi thức trong lễ ăn hỏi

11/11/2021
Kinh nghiệm cưới

Lễ ăn hỏi là một trong những nghi thức vô cùng quan trọng và không thể thiếu trong phong tục cưới hỏi của người Việt. Vậy lễ ăn hỏi là gì? Cần chuẩn bị những gì cho ngày lễ ăn hỏi? Trong lễ ăn hỏi có cần kiêng kỵ điều gì hay không? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết dưới đây của Áo cưới Lucky Anh & Em. Xem ngay nhé!

Bạn có thể xem nhanh bài viết tại đây:

  1. Lễ ăn hỏi là gì?
  2. Ý nghĩa của thủ tục lễ ăn hỏi
  3. Cần chuẩn bị những gì cho ngày lễ ăn hỏi
  4. Các trình tự tổ chức lễ ăn hỏi bạn cần biết
  5. Cần kiêng kỵ điều gì trong lễ ăn hỏi

 

lễ ăn hỏi

 

Lễ ăn hỏi là một nghi thức không thể thiếu trong phong tục cưới ở nước ta

 

Có thể nhận định rằng, lễ ăn hỏi chính là lời thỏa thuận đồng ý của 2 bên gia đình về việc kết hôn của đôi trẻ. Đây là cột mốc đáng nhớ trong chặng đường hôn nhân của các cặp đôi. Đánh dấu ngày cô gái trở thành vợ sắp cưới của chàng trai, mở ra hy vọng về một cuộc sống vợ chồng yêu thương và bên cạnh suốt đời. 

>> Xem thêm bài viết về đính hôn là gì? Lễ đính hôn ở 3 miền Bắc Trung Nam có gì giống và khác nhau nhé!

2. Ý nghĩa của thủ tục lễ ăn hỏi

2.1. Lễ ăn hỏi là lời xin cưới chính thức của nhà trai với nhà gái

Nghi thức lễ ăn hỏi được xem là bước khởi đầu của hôn nhân. Vào ngày lành đã định, nhà trai sẽ mang theo sính lễ đến nhà gái để hỏi cưới cô dâu tương lai cho con trai của mình. 

Đây cũng là bước ngoặt để 2 gia đình gặp mặt và trở nên thân thiết hơn với nhau. Nếu không có lễ ăn hỏi, thì đám cưới sẽ không được diễn ra. Do đó, lễ ăn hỏi có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu trong hôn nhân của đôi lứa.

2.2. Thể hiện tấm lòng thành kính của con cháu đối với ông bà tổ tiên

Lễ ăn hỏi cũng là dịp để con cháu thể hiện lòng thành kính của mình đối với ông bà, tổ tiên. Theo quan niệm ngày xưa, ông bà tuy dù không ở bên con cháu nữa nhưng vẫn luôn dõi theo bước đường trưởng thành của chúng ta, nhất là trong những việc trọng đại như cưới xin.

 

mâm lễ ăn hỏi

 

Lễ ăn hỏi thể hiện tấm lòng của con cháu với tổ tiên

 

Vì vậy, với một sự kiện đặc biệt như vậy, con cháu phải có “cái lễ” để thông báo với bề trên. Trong lễ ăn hỏi, nhà gái sẽ dùng đồ lễ ăn hỏi của nhà trai để đặt lên bàn thờ và thắp hương. Đây cũng chính là lòng thành kính của con cháu đối với ông bà tổ tiên mình.

2.3. Là thành ý của nhà trai với nhà gái

Các mâm lễ ăn hỏi được chuẩn bị một cách đầy đủ và sang trọng cũng phần nào bày tỏ được tình cảm chân thành, sự tôn trọng và thành ý của nhà trai đối với nhà gái, vì đã có công sinh thành và dưỡng dục cô dâu đến ngày hôm nay. 

Không những thế, các mâm lễ ăn hỏi cũng được xem là một phần lễ vật mà nhà trai phụ giúp cho nhà gái trong việc chuẩn bị cho đám cưới đôi trẻ.

2.4. Mâm lễ thể hiện gia cảnh và sự chuẩn bị cho đám cưới

Ngoài là thành ý, mâm lễ cũng một phần nào đó thể hiện được gia cảnh của nhà trai. Thông thường, mâm lễ ăn hỏi bao gồm những gì và số lượng bao nhiêu hoàn toàn là do nhà gái yêu cầu dựa trên sự thống nhất và thấu hiểu hoàn cảnh đôi bên. Ý nghĩa các lễ vật được mang qua nhà gái thường mang rất nhiều ý nghĩa sâu sắc, cầu chúc cho cuộc sống đôi trẻ được viên mãn, trăm năm hòa hợp.

3. Cần chuẩn bị những gì cho ngày lễ ăn hỏi

3.1. Xác định thời gian, địa điểm làm lễ

Để lễ ăn hỏi có thể diễn ra một cách thành công và tốt đẹp nhất, thì đầu tiên 2 bên gia đình cần thống nhất được ngày giờ và địa điểm làm lễ ngay trong ngày lễ dạm ngõ. Thông thường, việc chọn ngày sẽ do nhà trai tiến hành dưới sự chấp thuận của nhà gái.

 

thủ tục lễ ăn hỏi

 

Chọn ngày lành tháng tốt để diễn ra lễ ăn hỏi

 

Theo phong tục của người Việt, nếu lễ thành hôn luôn diễn ra ở nhà trai thì lễ ăn hỏi phải được tổ chức ở nhà gái. Do đó, nhà gái luôn rất xem trọng buổi lễ này, sự chuẩn bị cho nó luôn rất đu đáo và kỹ lưỡng.

Nhà gái thường sẽ luôn dọn dẹp nhà cửa thật cẩn thận, đồng thời trang trí lại các ngóc ngách trong nhà, đặc biệt là khu vực bàn thờ gia tiên. Bởi đây sẽ là khu vực chính diễn ra các nghi thức lễ ăn hỏi. Lúc này trên bàn thờ sẽ được nhà gái trưng bày thêm hoa và mâm ngũ quả để thể hiện lòng thành kính của mình với ông bà.

3.2. Chuẩn bị đầy đủ lễ vật

Tùy vào tập tục và thói quen sinh hoạt của mỗi vùng mà nhà trai cần chuẩn bị mâm lễ ăn hỏi sao cho phù hợp. Nếu miền Bắc số lượng tráp luôn là số lẻ như 5,7,9 thì miền Nam số lượng tráp phải là số chẵn như 6,8,... Tuy nhiên, số lượng lễ trong tráp phải luôn là số chẵn.

Tùy vào điều kiện kinh tế gia đình cũng như sự thống nhất của 2 bên mà nhà trai có thể chuẩn bị số tráp như sau:

  • 5 tráp: trầu cau, thuốc lá, rượu, chè, hoa quả và bánh cốm. 
  • 7 tráp: trầu cau, thuốc lá, rượu, chè, hoa quả, bánh cốm, mứt sen và bánh phu thê.
  • 9 tráp: trầu cau, thuốc lá, rượu, chè, hoa quả, bánh cốm, mứt sen, bánh phu thê lợn quay và xôi gấc.

 

lễ ăn hỏi là gì

 

Chuẩn bị tráp ăn hỏi là bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào sự thống nhất 2 nhà

 

Thông thường, các mâm lễ ăn hỏi thường không cần phải chuẩn bị một cách quá cầu kỳ, bởi nó mang ý nghĩa tấm lòng và sự chân thành là chủ yếu. Tuy nhiên, nhà trai phải biết cách sắp xếp sao cho các mâm lễ được chuẩn bị một cách chỉnh chu để thể hiện sự chân thành của mình đối với nhà của cô dâu.

3.3. Xác định trước các thành phần tham gia

Thành phần tham gia trong đoàn nhà trai gồm: trưởng đoàn hay người chủ hôn, bố mẹ, chú rể, anh em ruột thịt và bạn bè thân thiết.

Đặc biệt, chú rể cũng cần chuẩn bị thêm một đội bưng tráp bao gồm nhiều chàng trai độc thân, ngoại hình ổn để bưng lễ. Số lượng bao nhiêu thì sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào số lễ mà nhà trai chuẩn bị. Trang phục đội bê tráp có thể là khăn đóng hoặc quần tây áo sơ mi đều được.

Bên nhà gái, thành phần tham gia sẽ bao gồm bố mẹ, cô dâu, ông bà, chị em họ hàng thân thiết, bạn bè và một đội bê tráp nữ. Đội bê tráp này đều là người chưa lập gia đình, ngoại hình xinh xắn, với trang phục là áo dài truyền thống hoặc cách điệu.

3.4. Chuẩn bị lễ nạp tài

Trong lễ ăn hỏi, lễ nạp tài là một phần không thể thiếu và thường được mọi người chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhà trai sẽ chuẩn bị phong bì tiền, gọi là lễ đen để mang sang nhà gái.  Số tiền này sẽ được chia thành 3 hoặc 5 phong bì đỏ, ứng với số bát hương của nhà gái.

 

lễ ăn hỏi gồm những gì

 

Lễ nạp tài sẽ được gộp cùng lễ ăn hỏi

 

Ngày nay, lễ ăn hỏi và lễ nạp tài sẽ được tổ chức cùng một lượt với nhau. Số tiền trong lễ đen như là món quà mà nhà trai biếu nhà gái để bày tỏ tâm ý với gia đình đã sinh thành và dưỡng dục cô dâu. Đồng thời cũng mong muốn san sẻ một phần chi phí với nhà gái trong việc tổ chức hôn lễ.

4. Các trình tự tổ chức lễ ăn hỏi bạn cần biết

Trình tự lễ ăn hỏi gồm những gì, diễn ra như thế nào? Cùng xem qua những thông tin vô cùng hữu ích bên dưới nhé!

4.1. Nhà trai di chuyển đến đàn gái

Sau khi đã chuẩn bị lễ vật tươm tất và đầy đủ, nhà trai sẽ canh giờ lành để đến nhà gái. Trong quá trình này, nhà trai cũng nên tính toán những vấn đề có thể xảy ra không mong muốn như kẹt xe, đường đông,... tốt nhất là đi sớm hơn từ 45-1 tiếng đồng hồ.

 

nghi thức lễ ăn hỏi

 

Nhà trai nên canh thời gian chuẩn để đến nhà gái đúng giờ lành

 

4.2. Chào hỏi và trao lễ vật

Khi nhà trai cách nhà gái 1 đoạn khoảng 100m thì nên dừng lại để sắp xếp lại đội hình. Đi đầu sẽ là chủ hôn, người đại diện sau đó là ông bà, cha mẹ, chú rể và cuối cùng là đội bê tráp.

Bên phía cô dâu cũng cần chuẩn bị 1 đội hình tương ứng để đón nhà trai. Sau khi 2 bên gia đình đã chào nhau, đội bê tráp nam sẽ trao lễ vật cho đội bê tráp nữ và mang chúng vào nhà. Tiếp theo đó, 2 đội bê tráp sẽ trao đổi lì xì để trả duyên cho nhau. Phong bì lì xì này sẽ được nhà trai và nhà gái thống nhất trước đó.

4.3. Hai bên gia đình trò chuyện

Sau khi đã hoàn thành nghi thức trao đổi tráp, đại diện nhà gái sẽ tiến hành mời nhà trai vào bên trong nhà để dùng nước và trò chuyện với nhau. 

Đại diện nhà gái bên này cũng sẽ lần lượt giới thiệu các thành viên tham dự. Để đáp lại nhà trai cũng giới thiệu tương tự. Đồng thời đọc bài phát biểu lễ ăn hỏi và biếu tặng các mâm lễ.

Đại diện nhà gái thay mặt nhận mâm lễ, mẹ cô dâu sẽ mở tráp dưới sự chứng kiến của 2 bên. 

4.4. Ra mắt cô dâu

Sau khi nhà gái nhận tráp, chú rể sẽ xin phép được lên đón cô dâu. Theo phong tục nhiều vùng ở nước ta, trước khi chú rể lên đón, cô dâu không được phép xuất hiện trong lễ ăn hỏi.

 

các mâm lễ ăn hỏi

 

Cô dâu sẽ được ra mắt ngay sau khi chú rể lên đón

 

Cô dâu sẽ cùng chú rể ra mắt gia đình 2 bên. Đôi vợ chồng trẻ sẽ rót trà và mời bánh quan viên 2 họ.

4.5. Thắp hương bàn thờ tổ tiên

Trong lễ ăn hỏi, thắp hương lên bàn thờ tổ tiên được xem là nghi thức quan trọng nhất. Điều này thể hiện lòng thành kính, sự biết ơn của con cháu đối với ông bà. Đồng thời thông báo về chàng rể mới trong gia đình.

Lúc này, cha mẹ cô dâu sẽ mang 1 số lễ vật trong tráp của nhà trai để đặt lên trên bàn thờ gia tiên. Sau đó, cô dâu và chú rể sẽ cùng thắp hương để ra mắt ông bà.

4.6. Bàn bạc về đám cưới

Sau khi diễn ra toàn bộ thủ tục lễ ăn hỏi, 2 gia đình sẽ tiến hành bàn bạc về đám cưới. Trước tiên là thống nhất ngày cưới, địa điểm cưới cũng như giờ đón dâu. Trong lúc này, cô dâu và chú rể sẽ đứng dậy và mời nước mọi người. 

Ngoài ra, thời gian này cặp đôi cũng có thể chụp ảnh cùng bạn bè và người thân để lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ này.

 

đồ lễ ăn hỏi

 

Hai bên gia đình sẽ bàn bạc với nhau về lễ cưới trong lễ ăn hỏi

 

4.7. Nhà gái lại quả

Cuối cùng của buổi lễ ăn hỏi sẽ là nghi thức lại quả cho nhà trai. Mọi lễ vật sẽ được nhà gái chia lại cho nhà trai 1 phần. 

Lưu ý: phải dùng tay để chia chứ không được dùng kéo, để tránh mang đến điều xấu cho cuộc hôn nhân của đôi trẻ. Tráp trả quả lại cho nhà trai phải để ngửa nắp. Sau khi xong xuôi, nhà trai có thể xin phép ra về.

5. Cần kiêng kỵ điều gì trong lễ ăn hỏi

Để lễ ăn hỏi được diễn ra một cách tốt đẹp và hoàn hảo nhất, bạn nên chú ý kiêng kỵ một số vấn đề như sau:

  • Cô dâu không được xuất hiện trong lễ ăn hỏi trước khi được chú rể đón, để tránh cô dâu mang tiếng thiếu duyên hay thiếu lễ phép.
  • Không được để người chịu tang tham gia vào hôn lễ để tránh mang đến những điều xui xẻo và không may cho cặp đôi.
  • Không được dùng dao kéo: các lễ vật khi chia ra chỉ nên dùng tay không được dùng dao hay kéo. Bởi theo quan niệm xưa, dao kéo tượng trưng cho sự chia ly và xa cách của đôi lứa.

các mâm lễ hỏi cần chuẩn bị những gì

 

Một số kiêng kỵ khi tổ chức lễ ăn hỏi

 

  • Đổ vỡ đồ đạc: tương tự như việc dùng dao kéo, trong ngày ăn hỏi, bạn nên cẩn thận để tránh đổ vỡ đồ đạc.
  • Không nên chuẩn bị bàn thờ gia tiên một cách sơ sài: bàn thờ gia tiên là nơi diễn ra các nghi lễ trong lễ ăn hỏi. Do đó, nhà gái nên dọn dẹp và trang trí lại bàn thờ gia tiên đàng hoàng. Điều này cũng thể hiện được lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà tổ tiên của mình.
  • Tránh to tiếng và cãi lộn: người ta cho rằng việc to tiếng và cãi lộn trong lễ ăn hỏi sẽ làm cuộc sống về sau của cô dâu, chú rể không được thuận lợi.

Trên thực tế, lễ ăn hỏi được diễn ra khá nhanh chóng, đơn giản và không phức tạp mấy, chủ yếu là cần sự ấm áp giữa 2 bên gia đình. Tuy nhiên, không phải vì điều này mà bạn chuẩn bị nó một cách hời hợt và không chỉnh chu. Hy vọng qua bài viết của Áo cưới Lucky Anh & Em bạn đã biết lễ ăn hỏi là gì cũng như biết cách chuẩn bị cho ngày lễ này 1 cách chu toàn nhất.

0.0           0 đánh giá
0% | 0
0% | 0
0% | 0
0% | 0
0% | 0

Có 0 đánh giá

ĐÁNH GIÁ SẢN PHẨM

  • Lọc theo:
  • Tất cả
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
Chia sẻ

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Lễ ăn hỏi là gì? Các thủ tục và nghi thức trong lễ ăn hỏi